Hoạt động khoa học công nghệ

Viện Luyện kim đen đã triển khai thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp Nhà nước, cấp Bộ Công Thương và đã đạt được những thành tựu cao về vật liệu kim loại và công nghệ luyện kim. Viện tập trung nghiên cứu chuyên sâu về gang, thép hợp kim đặc biệt như thép không gỉ, thép chịu nhiệt, thép công cụ hợp kim, thép kết cấu chất lượng cao, thép đàn hồi, thép gió, gang bền nhiệt, gang chịu mài mòn và hợp kim cứng để sử dụng cho các ngành công nghiệp như khai thác mỏ, cơ khí chế tạo, luyện kim, hóa chất, xi măng, nhiệt điện, y sinh học và chế tạo vũ khí cho công nghiệp quốc phòng.

Bên cạnh việc triển khai các đề tài về vật liệu, các hoạt động khoa học công nghệ khác của Viện còn gắn liền với ngành luyện kim bao gồm: Nghiên cứu khả năng sử dụng các tài nguyên trong nước như quặng sắt, quặng mangan, than, các chất phụ gia để phát triển ngành công nghiệp gang thép; Nghiên cứu nắm bắt các công nghệ luyện kim tiên tiến của thế giới nhất là các công nghệ luyện kim phi cốc để áp dụng vào điều kiện thực tế của nước ta; Nghiên cứu cải tiến công nghệ và thiết bị ở các nhà máy luyện kim hiện có để nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm đảm bảo tính cạnh tranh của các sản phẩm thép trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế; Nghiên cứu cải tiến công nghệ sản xuất các sản phẩm thép chất lượng và thép hợp kim chất lượng để cung cấp cho ngành công nghiệp trong nước và công nghiệp quốc phòng; Kiểm định chất lượng các loại sản phẩm thép sản xuất trong nước và nhập khẩu cũng như các loại nguyên nhiên vật liệu khác; Nghiên cứu xây dựng các giải pháp bảo vệ môi trường trong ngành luyện kim.

Những hướng nghiên cứu phát triển trong giai đoạn 2021 ÷ 2030

Trong giai đoạn 2021 ÷ 2030, để gắn kết với chiến lược phát triển của ngành Công Thương, Viện vẫn tiếp tục đẩy mạnh và chuyên sâu trong lĩnh vực nghiên cứu thép và gang hợp kim chất lượng cao, đẩy mạnh ứng dụng các kết quả nghiên cứu để sản xuất thử nghiệm các loại thép và gang hợp kim chất lượng cao mà thị trường đang có nhu cầu lớn như: Dự án sản xuất thép hợp kim đặc biệt dùng chế tạo vũ khí, khí tài quân sự cho công nghiệp quốc phòng; Dự án sản xuất thử nghiệm thép cường độ cao làm cốt thép cho bê tông dự ứng lực; Dự án sản xuất thử nghiệm các chi tiết dùng trong cấy ghép chấn thương chỉnh hình cho các bệnh nhân bị chấn thương, các chi tiết này được chế tạo bằng thép không gỉ mác SUS317L hoặc bằng hợp kim Ti; Dự án sản xuất thép không gỉ bền ăn mòn trong môi trường nước biển để phục vụ cho ngành đóng tầu và dầu khí; Dự án sản xuất thép đàn hồi chất lượng cao làm nhíp ôtô thay thế nhập ngoại. Dự án sản xuất thử nghiệm 100 tấn phôi thép không gỉ bền ăn mòn trong các môi trường axit bằng phương pháp tinh luyện điện xỉ.

Ngoài lĩnh vực thép hợp kim, Viện sẽ nghiên cứu chuyên sâu và sản xuất ứng dụng các vật liệu khác như: Hợp kim titan để làm vật liệu y sinh học, hợp kim đồng làm bạc lót, hợp kim Magie ứng dụng trong sản xuất linh kiện điện tử; Nghiên cứu công nghệ tách kim loại quí, hiếm từ rác thải điện tử công nghiệp; Dự án sản xuất mắt gió bằng đồng cho lò cao luyện gang thay thế hàng nhập khẩu.

Nghiên cứu các giải pháp công nghệ thuộc lĩnh vực luyện kim nhằm nâng cao năng suất, giảm chi phí nguyên vật liệu, tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường: Nghiên cứu các giải pháp công nghệ để xử lý và ứng dụng xỉ luyện thép để làm phụ gia cho các ngành sản xuất công nghiệp; Nghiên cứu nâng cao tỷ lệ sử dụng quặng nghèo limonit ở Việt Nam trong luyện gang lò cao; Nghiên cứu áp dụng các công nghệ luyện kim phi cốc phù hợp với nguồn nguyên liệu ở Việt Nam; Nghiên cứu công nghệ phục hồi trục cán thép.

Tin liên quan